Vua đầu triều nhà Trần tuổi Hổ – Báo Biên phòng

Chào mừng bạn đến với tbkc.edu.vn trong bài viết về Vị vua đầu tiên của nhà trần là ai chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.

Mới 8 tuổi, Trần Thái Tông đã được đặt lên ngôi Hoàng đế (năm Ất Dậu, 1225). Ông ở ngôi khá lâu, tới 33 năm. Sau đó, ông nhường ngôi cho con trưởng 19 năm, thọ 60 tuổi.

Trần Thái Tông sinh ra trong thời điểm loạn lạc, triều Lý đã mục nát. Khi ấy, ông vua con 3 tuổi lên ngôi là Lý Cao Tông “lớn lên chơi bời vô độ, chính sự hành pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, sự nghiệp nhà Lý suy từ đây”. Thái tử Sảm trên đường chạy loạn Quách Bốc đã lấy con gái họ Trần xinh đẹp, vốn làm nghề đánh cá, đã cùng gia tộc họ Trần đem hương binh về Thăng Long dẹp Quách Bốc.

Khi Lý Cao Tông băng hà, thái tử Sảm trở thành vua Lý Huệ Tông. Theo Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, lúc này “Chính sự ngày một đổ nát, đói kém xảy ra luôn luôn, nhân dân cùng quẫn khốn khổ, giặc cướp nổi lên lung tung”. Lý Huệ Tông mắc bệnh điên loạn, không có con trai nối dõi, đi tu và nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng bấy giờ mới 7 tuổi. Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình.

Do sự dàn xếp của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng đã kết duyên cùng người cháu của ông là Trần Cảnh và sau đó được vợ nhường ngôi cho trở thành Trần Thái Tông. Quyền lực đất nước thực sự vào tay họ Trần một cách êm thấm, cũng do nguyên nhân họ Lý đã không đảm đương được vai trò lãnh đạo đất nước, trong lúc Đại Việt đang có nhiều thù trong giặc ngoài. Phương Bắc đang nổi lên đế quốc Mông Cổ đang tràn nhanh xuống phía Nam.

Sinh ra trong gia tộc thuyền chài, giỏi võ hơn giỏi văn, Trần Thái Tông đã sớm biết cầm quân đánh dẹp các thế lực cát cứ. Bên cạnh vua lại có Trần Thủ Độ, được vua phong cho chức Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sư. Ông vua trẻ đã sai Trần Thủ Độ đi dẹp giặc cướp ở vùng núi Tản Viên và núi Quảng Oai, sau đó đã sớm dẹp được Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, Đoàn Thượng ở Hồng Châu (vùng Hải Dương ngày nay). Các thế lực ủng hộ nhà Lý cũng sớm bị diệt, người họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn cho dân tình không còn nhớ về triều đại cũ.

Bên cạnh việc dẹp các thế lực ly khai trong nước, Trần Thái Tông đã có nhiều cải cách để phát triển kinh tế, luật lệ và có chế độ thi cử chọn lựa nhân tài.

Vua ra chính sách nộp thuế ruộng đất. Người nào không có ruộng thì được miễn; có 1, 2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Những vụ mất mùa do thiên tai thì được miễn một nửa tô ruộng. Vua còn sai đắp đê phòng lụt, gọi là đê quai vạc để ngăn nước lũ.

Vua cho mở khoa thi Tam giáo tử (Nho giáo, Đạo giáo, Thích giáo), thi Thái học sinh để chọn nhân tài, cho trùng tu Quốc tử giám. Chính sách thi cử để chọn kẻ sĩ đã chọn được Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang, 48 người đỗ Thái học sinh trong khóa thi năm 1247. Vua còn lập Quốc học viện và Giảng võ đường.

Về luật lệ, vua xuống chiếu rằng, các văn khế đều phải in dấu ngón tay vào giấy mới có giá trị. Vua còn định ra lễ minh thệ. Hàng năm, vào ngày 4 tháng 4, vua dẫn các quan đến đền thờ núi Đồng Cổ ở cửa Tây thành Thăng Long (nay đền vẫn còn ở phố Thụy Khuê, Hà Nội), họp nhau uống máu ăn thề “làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Vua cho lập sổ đinh, khai báo nhân khẩu, kê rõ các loại tôn thất, quan võ, quan văn, khảo xét các luật lệ triều trước để soạn Quốc triều thống chế, sửa đổi hình luật, lễ nghi chép vào 20 quyển. Vua cho chia bên ngoài thành Thăng Long thành 61 phường…

Trần Thái Tông còn là vị vua cầm quân giỏi, trực tiếp đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống ở châu Khâu, châu Liêm để ổn định vùng biên giới nước ta. Năm 1252, vua cũng thân chinh đi đánh Chiêm Thành để trị tội hay cướp bóc dân cư ven biển.

Về củng cố lực lượng quân sự, vua đã chọn người khỏe mạnh sung làm quân Tứ thiên, tứ thánh, tứ thần. Dinh tráng các lộ cũng được biên chế vào các thứ hạng khác nhau. Cũng vậy, vua cho xét duyệt thứ hạng quan văn, võ để thăng chức, tước.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Bấy giờ quốc gia vô sự, nhân dân yên vui”, chức Tể tướng thì chọn người hiền năng trong tôn thất, có đạo đức, tài nghệ. Lúc này, từ vua xuống đến quân, dân đã đủ sức mạnh và đồng lòng để đương đầu với quân xâm lược từ phương Bắc đang lăm le tràn xuống.

Công lao của vua, ngoài việc sáng lập và ổn định triều đại mới, còn là đánh thắng quân Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất do tướng Ngột Lương Hợp Thai cầm đầu (năm Đinh Tỵ 1257), vẻn vẹn chưa đầy 1 tháng, vua tự làm tướng thống lĩnh 6 quân đánh trận mà đã làm nên chiến thắng Đông Bộ Đầu lẫy lừng. Sau chiến thắng, vua nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông để làm Thái thượng hoàng.

Trần Thái Tông là vị vua anh minh và giỏi giang, đã dựng được nền móng cho cơ đồ triều Trần kéo dài 175 năm. Ông còn có chính sách ngoại giao khôn khéo với phương Bắc: sau khi đuổi được quân Mông Cổ, ông sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống, sai Lê Phụ Trần đi sứ sang nhà Nguyên tiến cống, cứ 3 năm một lần. Nhờ thế, Đại Việt có một thời gian dài yên bình chừng 30 năm để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân Nguyên Mông.

Cháu nội của Trần Thái Tông là vua Trần Nhân Tông đã ca ngợi chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất của ông mình và quân dân Đại Việt trong bài thơ khi đến viếng mộ “Xuân nhật yết Chiêu Lăng” (Ngày xuân đến viếng lăng Trần Thái Tông), có câu:

“Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”

(Bạc đầu quân sĩ còn đây,

Vẫn luôn kể chuyện những ngày Nguyên Phong).

Nguyên Phong là niên hiệu của Trần Thái Tông, đánh dấu năm chiến thắng Nguyên Mông lần thứ nhất, mà đến thời Nhân Tông, quân sĩ tham gia chiến trường, mái đầu đã bạc, nhưng còn nhớ mãi để kể chuyện cho con cháu.

Trần Thái Tông là vị vua sùng đạo Phật, ông cho đúc 330 quả chuông treo ở các chùa, cho xây dựng chùa Phổ Minh. Ông còn viết khá nhiều tác phẩm về Thiền học như: Khóa hư lục (Tập bài giảng về đạo Phật), Thiền tông chỉ nam ca, Lục thì sám hối khán nghi, Trần Thái Tông ngự tập… Ông còn là một thi sĩ với nhiều bài thơ hay để lại cho hậu thế.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh

Rate this post